xem cỡ chữ
T
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã bàn và quyết nghị về công tác xây dựng Đảng vừa cơ bản, lâu dài vừa tập trung trọng tâm, cấp bách và hợp lòng dân.
Sự cần thiết phải ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, “đa số cán bộ, đảng viên có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ”, động viên, khích lệ nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, đưa công cuộc đổi mới ở nước ta đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.
Tuy nhiên, hiện nay, “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Tệ tham nhũng, hối lộ, bòn rút, lãng phí của công không giảm. Sự suy thoái về đạo đức biểu hiện ở lối sống cơ hội, buông thả ngày càng nhiều. Trong thực hiện công việc được giao, tình trạng lời nói không đi đôi với việc làm còn phổ biến ở nhiều nơi. Ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn tệ quan liêu, xa dân, thích nghe thành tích, ngại nghe và nói sự thật.
Lối sống thực dụng, sự toan tính vụ lợi, ích kỷ vẫn còn diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tình trạng này “làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ” (Văn kiện Hội nghị Trung ương 4, khóa XII).
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bắt đầu từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường như việc chạy theo lợi ích, lợi nhuận; sự phân hóa giàu nghèo, tình trạng bất công xã hội, gian lận thương mại, chủ nghĩa cá nhân… chưa có giải pháp khắc phục tích cực, trong khi có những mặt trở nên nghiêm trọng. Tình trạng yếu kém trong lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội; tệ quan liêu, tham nhũng, hối lộ, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một số cán bộ có chức, có quyền… chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.
Sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội thế giới và quá trình toàn cầu hóa tác động một cách dữ dội đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các thế lực chính trị thù địch với chủ nghĩa xã hội coi đây là cơ hội để chúng tiếp tục tấn công mạnh mẽ hơn vào chủ nghĩa Mác-Lênin. Chiến lược “diễn biến hòa bình” của chúng được tập trung vào các nước xã hội chủ nghĩa với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, đã làm một số người hoang mang, dao động, mất phương hướng, khủng hoảng niềm tin về tương lai và những giá trị của chủ nghĩa xã hội. Đó là tiền đề trước hết dẫn tới suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Về yếu tố chủ quan, một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập, để chủ nghĩa cá nhân phát triển, chi phối. Họ nặng tính thực dụng, thiếu tu dưỡng rèn luyện thường xuyên nên ý thức giác ngộ, lập trường giai cấp phai nhạt, tư tưởng hưởng thụ, bệnh gia trưởng, hẹp hòi ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy chi phối suy nghĩ và hành vi. Nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, quản lý đảng viên bị buông lỏng, chấp hành chưa nghiêm. Tình trạng thiếu chặt chẽ trong quản lý cán bộ, đảng viên; việc kiểm tra, giám sát hoạt động của đảng viên chưa tốt; đấu tranh chống tiêu cực và xử lý vụ việc chưa nghiêm, chưa triệt để; nắm bắt diễn biến tư tưởng cán bộ, đảng viên chậm, thiếu đầy đủ.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa được coi trọng đúng mức, hoạt động chưa hiệu quả. Việc tổ chức học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa thật nghiêm túc, chưa truyền đạt được tính khoa học, tính cách mạng sáng tạo, tính thiết thực tới cán bộ, đảng viên để tạo nên sự chuyển biến tích cực, niềm tin trong nhận thức, làm cơ sở cho hành động đúng đắn, thống nhất, hiệu quả.
Giải pháp trọng tâm
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, xin đề xuất thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn chặt với xây dựng và thực hành đạo đức trong Đảng, nhất là phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tổ chức đảng cần triển khai sâu rộng, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đồng thời, coi trọng sự tự học, xem đó như một nhu cầu văn hóa, cần sự bền bỉ, lâu dài, tự nguyện, tự giác của mỗi người, mỗi tổ chức.
Hai là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng cần được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình, quy định. Nâng cao sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, tổ chức trong hoạt động kiểm tra, giám sát, nhất là vai trò của cấp ủy, cơ quan, đơn vị, ủy ban kiểm tra, tổ chức đảng và quần chúng đối với cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh việc phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí bằng tổ chức hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nhiều biện pháp để cán bộ “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, “không cần tham nhũng”.
Ba là, thực hiện nghiêm các nguyên tắc sinh hoạt trong Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; duy trì nền nếp và chuẩn bị chu đáo nội dung sinh hoạt. Việc tự phê bình và phê bình phải dựa trên tinh thần xây dựng tập thể; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh cho cái đúng. Đề cao và thực hiện nghiêm chế độ nêu gương, nhất là cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở mọi lúc, mọi nơi; gương mẫu chấp hành nguyên tắc, chế độ sinh hoạt đảng, đổi mới phương pháp, tác phong làm việc theo hướng giữ vững tính đảng, nguyên tắc, dân chủ, sát thực tế, nói đi đôi với làm, lắng nghe, tiếp thu ý kiến và giải đáp kiến nghị của quần chúng, cán bộ, đảng viên. Có như vậy, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng mới được nâng cao và đồng thời khích lệ, động viên đảng viên, quần chúng học tập, làm theo.
Bốn là, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị. Thực hiện nghiêm quy trình, quy định của Đảng về công tác cán bộ; có cơ chế kiểm soát quyền lực, khắc phục và ngăn chặn sự lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực; xử lý và thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ; sử dụng cán bộ đúng việc, đúng chỗ để phát huy điểm mạnh và hạn chế nhược điểm; đồng thời bảo đảm tính kế thừa và phát triển, chống cục bộ, bè phái, chạy chức, chạy quyền... trong công tác cán bộ.
Tag:
Theo www.xaydungdang.org.vn
Toàn văn bài phát biểu của Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I tại buổi gặp mặt các thế hệ cán bộ viên chức, người lao động nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hội trại Chào mừng kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 -20/11/2024)
Lễ Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)
Đoàn Đại biểu Học viện Hành chính Quảng Đông, Trung Quốc thăm và làm việc tại Học viện Chính trị khu vực I
Hội diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024)
Giới thiệu sách “Kiểm soát quyền lực Nhà nước”
Tổng kết hoạt động Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025
Danh sách thứ tự biểu diễn các tiết mục văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
Thông báo số 187-TB/HVCTKV I thu học phí đào tạo lớp CCLLCT hệ không tập trung K71.B14 Địa phương 3 (học tại Tỉnh Thái Nguyên), khóa học 2024-2026
Thông báo số 186-TB/HVCTKV I thu học phí đào tạo lớp CCLLCT hệ không tập trung K71.B12 Địa phương 4 (học tại Tỉnh Nam Định), khóa học 2024-2026
Liên kết website
Thống kê truy cập
Thông tin liên hệ
Địa chỉ: Số 15, đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội
Email: ttdt.hvct1@gmail.com
Liên hệ: 024.38543970