xem cỡ chữ
T
Các quan điểm sai trái, phản động về kinh tế tư nhân
Các thế lực thù địch và phản động gần đây đã lợi dụng sự phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam để tung ra những luận điệu xuyên tạc, bóp méo bản chất của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng cố tình tuyên truyền rằng việc khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân là dấu hiệu từ bỏ nền tảng xã hội chủ nghĩa, hoặc chuyển hướng sang kinh tế tư bản, chúng xuyên tạc rằng, sự điều chỉnh từ kinh tế nhà nước sang kinh tế tư nhân là một sự lật đổ chính sách.
Một số quan điểm sai trái, phản động khác còn cho rằng chỉ có kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa mới phù hợp với quy luật phát triển, đồng thời xuyên tạc Việt Nam đang “chuyển đổi sang nền kinh tế tư bản dưới vỏ bọc xã hội chủ nghĩa”. Ngoài ra, các thế lực này còn cho rằng sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân làm suy yếu vai trò của kinh tế nhà nước và tập thể, dẫn đến bất bình đẳng xã hội và mất kiểm soát tài nguyên quốc gia, sử dụng các diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội và các buổi thảo luận giả danh chuyên gia để tuyên truyền rằng “một nền kinh tế thị trường không thể tồn tại trong chế độ độc đảng”. Những luận điệu này không chỉ bóp méo thực tiễn, phủ nhận thành quả của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gây hoài nghi trong dư luận mà còn nhằm phá hoại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, kêu gọi thay đổi thể chế chính trị.
Cơ sở lý luận và thực tiễn về kinh tế tư nhân
Kinh tế tư nhân thực chất là khu vực kinh tế thuộc sở hữu của cá nhân hoặc nhóm cá nhân, hoạt động vì lợi ích riêng nhưng đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng chế độ sở hữu tư nhân là nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng xã hội và sự tha hóa con người. C.Mác chỉ ra rằng, sở hữu tư nhân dẫn đến “sự cạnh tranh, khủng hoảng kinh tế và cuối cùng là tập trung tư bản, làm gia tăng bất công xã hội”. Tuy nhiên, C.Mác và Ph.Ăngghen cũng khẳng định, trong một số giai đoạn lịch sử, kinh tế tư nhân có thể thúc đẩy sản xuất và phát triển lực lượng lao động, tạo tiền đề cho sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn
Kế thừa quan điểm này, V.I.Lênin nhận định, kinh tế tư nhân là một tất yếu khách quan trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin nhấn mạnh: Chính sách ngăn cấm hoàn toàn trao đổi tư nhân là một sự dại dột và tự sát. Chính sách kinh tế mới-NEP (1921) đã cho phép các doanh nghiệp nhỏ và thương mại tự do hoạt động để phục hồi nền kinh tế Nga sau chiến tranh. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm khai thác tiềm năng của kinh tế tư nhân để phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời định hướng khu vực này theo con đường xã hội chủ nghĩa. V.I.Lênin khẳng định: Chúng ta sẽ học cách vận hành nền kinh tế từ các nhà tư bản, kể cả các nhà tư bản nước ngoài.
Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng, trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, khu vực này chiếm hơn 60% GDP, hơn 70% đổi mới công nghệ và tạo ra hơn 80% việc làm ở đô thị, với hơn 90% số lượng doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, các doanh nghiệp này đã góp phần đáng kể vào việc ổn định tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sáng tạo và hiện đại hóa nền kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt, từ sau cải cách mở cửa năm 1978, kinh tế tư nhân đã phát triển vượt bậc, trở thành động lực chính trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Trung Quốc. Chính sách khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ đã giúp Trung Quốc đạt được những thành tựu lớn, như việc tăng số doanh nghiệp tư nhân trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới từ 1 doanh nghiệp năm 2010 lên 28 doanh nghiệp năm 2018. Những con số này cho thấy vai trò không thể thiếu của kinh tế tư nhân trong việc thực hiện mục tiêu "Giấc mộng Trung Hoa" và xây dựng một nền kinh tế hiện đại, phát triển chất lượng cao.
Đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, kinh tế tư nhân đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và hiện đại hóa. Tại Hàn Quốc, từ thập niên 1960, chính phủ đã thực hiện các chính sách chiến lược nhằm khuyến khích phát triển các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai và LG thông qua vốn vay ưu đãi, bảo vệ ngành công nghiệp nội địa và tập trung vào các ngành chủ chốt như sản xuất hóa chất và thép. Nhờ đó, khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm hơn 80% GDP, tạo ra chuỗi cung ứng rộng lớn và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi đó, Nhật Bản cũng coi khu vực tư nhân là trụ cột quan trọng trong chiến lược tái định hình nền kinh tế. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tài trợ nghiên cứu và phát triển, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp khu vực tư nhân chiếm hơn 65% GDP quốc gia.
Phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam
Tại Việt Nam, kinh tế tư nhân bắt đầu được thừa nhận chính thức từ Đại hội VI (1986), khi Đảng khẳng định: “Cần sửa đổi, bổ sung và công bố rộng rãi chính sách nhất quán đối với các thành phần kinh tế... Xóa bỏ những thành kiến thiên lệch...” và nhận ra sự cần thiết phải “sử dụng mọi khả năng của các thành phần kinh tế khác trong sự liên kết chặt chẽ và dưới sự chỉ đạo của thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Từ đó, khu vực này từng bước được nhìn nhận là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta nhấn mạnh: Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Đồng thời, Đảng đặt mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự nhất quán trong đường lối của Đảng nhằm phát triển kinh tế tư nhân trở thành “một động lực quan trọng” thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao đời sống nhân dân.
Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, dân số già hóa nhanh chóng và áp lực từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh đó, kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, không chỉ đóng góp lớn vào GDP và tạo việc làm mà còn là lực lượng tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ứng dụng công nghệ cao; yêu cầu xóa bỏ mọi rào cản, định kiến đối với kinh tế tư nhân; xây dựng các chính sách hỗ trợ toàn diện như cải thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Quan điểm này không chỉ phù hợp với lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn nhất quán với đường lối đổi mới của Đảng, khẳng định rằng việc phát triển kinh tế tư nhân là sự vận dụng sáng tạo để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, không hề đi ngược lại con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã lựa chọn.
Để phát triển kinh tế tư nhân trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm như hoàn thiện thể chế và xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, bảo vệ quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo thông qua chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao, cũng như giải phóng tối đa các nguồn lực phát triển. Những giải pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn lực công bằng mà còn tạo điều kiện để khu vực này trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Thực tế đã chứng minh rằng việc phát triển kinh tế tư nhân không phải là sự từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa như các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, mà chính là sự vận dụng sáng tạo để đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Những quan điểm sai trái này cần được kiên quyết đấu tranh, phản bác mạnh mẽ để bảo vệ niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tag:
Theo www.qdnd.vn
Luận điệu bóp méo quan điểm phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay
Thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trong kỷ nguyên mới
Thông báo số 153-TB/HVCTKV I kế hoạch thi bổ sung lớp cử nhân chính trị chuyên ngành Tổ chức Lào 16
Thông báo số 152-TB/HVCTKV I điều chỉnh kế hoạch sinh hoạt chuyên đề (lần 2) lớp CCLLCT hệ không tập trung K71.B14 Tỉnh ủy Thái Nguyên, khóa học 2024-2026
Thông báo số 150-TB/HVCTKV I kế hoạch thi kết thúc môn học các lớp CCLLCT hệ không tập trung tháng 6 năm 2025
Thông báo số 149-TB/HVCTKV I kế hoạch thi kết thúc môn học lớp Cử nhân chính trị Lào K16 tháng 6 năm 2025
Thông báo số 148-TB/HVCTKV I tuyển sinh đào tạo Cao cấp lý luận chính trị năm 2025
Các giải pháp trọng tâm, đột phá bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và hai con số những năm tiếp theo
Công bố Quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đối với Trưởng khoa Văn hóa và phát triển
Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình
Liên kết website
Thống kê truy cập
Thông tin liên hệ
Địa chỉ: Số 15, đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội
Email: ttdt.hvct1@gmail.com
Liên hệ: 024.38543970