xem cỡ chữ
T
Chiến dịch Hồ Chí Minh – Chiến dịch quyết chiến chiến lược trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 (nguồn news.vnanet.vn)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nghệ thuật quân sự Việt Namđã có bước phát triển cao và hoàn chỉnh, điển hình trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong tình hình mới hiện nay, phân tích và làm rõ sự phát triển nghệ thuật quân sự trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn, từ đó định hướng vận dụng vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
1. Quá trình phát triển chiến dịch và đỉnh cao phát triển nghệ thuật quân sự trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân Việt Nam đập tan bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn, giải phóng miền Nam Việt Nam, kết thúc thắng lợi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 mở đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 - Quân khu 2 và một bộ phận lực lượng cơ động chiến lược của địch, tạo sự thay đổi căn bản về so sánh lực lượng và thế chiến lược giữa ta và địch, dẫn tới sự sụp đổ về chiến lược và tinh thần của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Đồng thời, tại Quân khu Trị Thiên - Huế và Quân khu 5 ta mở chiến dịch Trị Thiên - Huế (3.1975), chiến dịch Đà Nẵng (3.1975) và phát triển tiến công địch ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, diệt và làm tan rã phần lớn Quân đoàn 1 - Quân khu 1 và bộ phận lực lượng dự bị chiến lược của địch. Nắm vững thời cơ chiến lược, sau khi quét sạch địch ở Phan Rang, Xuân Lộc, lực lượng phòng thủ và các cơ quan đầu não địch, buộc chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện. “Trong 55 ngày đêm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 ta diệt và làm tan rã hơn 01 triệu quân chủ lực và 1,5 triệu quân thuộc lực lượng phòng vệ dân sự của địch, đập tan bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ và 30 năm chiến tranh giải phóng mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, cả nước độc lập thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội” [2, tr.989].
1.1. Quá trình phát triển chiến dịch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Mở đầu là Chiến dịch Tây Nguyên, bằng trận đột phá chiến lược Buôn Ma Thuật tiêu diệt một tập đoàn phòng ngự quan trọng của địch tiến lên giải phóng toàn bộ Tây Nguyên, đây cũng là khởi điểm dẫn đến sự tan rã và sụp đổ về chiến lược của địch, mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược, đồng thời tạo thời cơ cho chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Về nghệ thuật chiến dịch, đã có nhiều nội dung phát tiển mới rất cao, thể hiện ở: Nghệ thuật chọn hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu rất đúng và rất hiểm; nghệ thuật nghi binh, lừa địch để tạo thế, giữ quyền chủ động chiến dịch; nghệ thuật tạo ưu thế hơn địch trên hướng và mục tiêu chủ yếu; nghệ thuật vận dụng sáng tạo cách đánh chiến dịch và tổ chức các trận then chốt.
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng được hình thành từ hai chiến địch ở hai địa phương (Quân khu Trị - Thiên, Quân đoàn 2 và Quân khu 5) phát triển thành một chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược, chiến dịch của thời cơ, chiến dịch tiến công trong hành tiến, đã quét sạch địch ở vùng ven biển miền Trung. Ở chiến dịch Huế - Đà Nẵng, nghệ thuật chiến dịch tiếp tục có bước phát triển cao, đặc biệt là nghệ thuật kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động của bộ đội chủ lực cơ động với hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng; nghệ thuật tổ chức chỉ huy chiến dịch cũng có điểm phát triển mới, sáng tạo thích ứng với đặc điểm hình thành và tiến trình chiến dịch (Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp điều hành chiến dịch).
Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, tập trung sức mạnh của cả nước đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng vào tận sào huyệt địch, giải phòng Sài Gòn - Gia Định, tạo điều kiện quyết định để quân và dân các tỉnh Đồng bằng Nam Bộ đồng loạt tấn công và nổi dậy hoặc nổi dậy và tiến công giải phóng địa phương bằng lực lượng bản thân. Về nghệ thuật chiến dịch đã có sự phát triển vượt bậc: Trong thời gian ngắn (khoảng 01 tháng) ta đã huy động được lực lượng lớn chưa từng có cho chiến dịch (05 quân đoàn) tạo thế áp đảo so với địch. Đây là nét phát triển mới về nghệ thuật tập trung lực lượng rất lớn để đánh địch trên thế mạnh và chủ động; trong thời gian ngắn, ta đã hình thành được thế trận hợp vây lớn, chia cắt hiểm làm cho địch hoang mang, lúng túng, bị động về chiến dịch, chiến lược; bên cạnh đó, thực hiện hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng các binh chủng, quân chủng và quần chúng trên địa bàn chiến dịch rộng lớn; kết hợp quy mô lớn ba mũi giáp công, tiến công rất mạnh về quân sự với nổi dậy của quần chúng.
Điểm chung của cả ba chiến dịch tiến công lớn trên đây, đó là: Mục đích to lớn và kiên quyết của từng chiến dịch, tập trung lực lượng ưu thế trong từng chiến dịch hoặc hướng chủ yếu của chiến dịch; tốc độ tiến công nhanh và cường độ tiến công mạnh; hiệu quả tiêu diệt và làm tan rã lớn từng tập đoàn phòng ngự địch, giải phóng từng vùng chiến lược; nghệ thuật tạo thời cơ, nắm bắt thời cơ và vận dụng cách đánh cả chiến dịch, chiến thuật rất linh hoạt sáng tạo để nhanh chóng đè bẹp mọi sự đề kháng của địch.
1.2. Đỉnh cao phát triển nghệ thuật quân sự trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Thứ nhất, vận dụng sáng tạo nghệ thuật tác chiến chiến lược, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển. Thể hiện chính ở việc tổ chức sử dụng lực lượng; nghệ thuật chọn hướng chủ yếu; về phương thức tác chiến; về nghệ thuật tạo tình huống và thời cơ chiến lược; về nghệ thuật tạo ra đột biến chiến lược dẫn đến nhảy vọt về cục diện chiến tranh và sụp đổ dây chuyền về chiến lược. Muốn tạo ra đột biến về chiến lược cần tập trung lực lượng mạnh đánh vào chỗ bất ngờ và xung yếu của địch, tiêu diệt lớn quân địch, đánh bại các biện pháp chủ yếu về chiến lược của địch, làm thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi cho ta, làm lung lay ý chí của địch, buộc địch không còn khả năng phản công mà co về phòng ngự, bị động, làm thay đổi hẳn thế và lực giữa ta và địch, làm rung chuyển đột biến về chiến lược của địch, phá vỡ thế liên hoàn, xảy ra phát triển đột biến và sự đổ vỡ dây chuyền của địch tất yếu diễn ra.
Thứ hai, nghệ thuật tạo ưu thế lực lượng, bảo đảm đánh địch trên thế mạnh, hình thành sức mạnh áp đảo quân địch trong chiến dịch. Việc sử dụng lực lượng tiến công của ta đã phát triển đến một trình độ cao. Khi địch còn ổn định, có tổ chức thì tập trung hơn địch ở trọng điểm, đánh có chuẩn bị, chắc thắng (chiến dịch Tây Nguyên). Khi địch đang hoang mang, bối rối rút chạy, tan rã thì chớp thời cơ, đánh trong hành tiến (chiến dịch Huế - Đà Nẵng). Khi đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch thì tập trung lực lượng ưu thế đến mức cao nhất bảo đảm chắc thắng và đánh thật mạnh, thắng thật nhanh (chiến dịch Hồ Chí Minh). Về ưu thế lực lượng, không chỉ tính giai đoạn đầu mà còn phải tính đến giai đoạn tiếp theo của chiến dịch; không chỉ tính chiến dịch mở đầu (Tây Nguyên) mà phải tính cả đến các chiến dịch tiếp theo, nhất là chiến dịch then chốt cuối cùng quyết định thắng lợi. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là minh chứng hùng hồn về nghệ thuật tổ chức chỉ huy đúng đắn và sáng tạo, biến lực lượng 01 thành sức mạnh 10, hoàn toàn áp đảo quân địch trên từng hướng, trong từng trận then chốt, ở từng thời điểm quyết định của cả chiến dịch và chiến lược.
Thứ ba, vận dụng cách đánh sáng tạo để thực hiện đánh tiêu diệt lớn quân địch giành thắng lợi cho chiến dịch. Trong vận dụng cách đánh chiến dịch đã nắm vững các nguyên tắc và vận dụng linh hoạt các thủ đoạn tác chiến của chiến dịch tiến công, đó là: Nghi binh tạo thế chiến dịch nhằm đánh lừa quân địch, thu hút hoặc kìm giữ chúng trên hướng khác, tạo sơ hở của địch trên hướng chủ yếu... ; bao vây chia cắt chiến dịch, bằng cách cắt giao thông, khống chế sân bay, hải cảng nhằm dồn địch vào thế bị chia cắt...; đột phá chiến lược...; thọc sâu, luồn sâu, vu hồi chiến dịch: Về thọc sâu chiến dịch, trong tiến công vào thành phố và thị xã ta đều tổ chức các mũi thọc sâu binh chủng hợp thành mạnh cỡ trung đoàn, sư đoàn. Lực lượng luồn sâu chiến dịch được tổ chức gồm nhiều thành phần lực lượng như bộ đội đặc công, biệt động, tự vệ, trong đó bộ đội đặc công giữ vai trò quan trọng nhất. Vu hồi chiến dịch (lực lượng hiểm) đánh vào sau lưng địch làm cho địch không kịp trở tay. Xác định cách đánh chiến dịch đúng và có sự vận dụng chiến thuật linh hoạt, sáng tạo để thực hiện cách đánh đó trong ba chiến dịch: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, Hồ Chí Minh thể hiện rõ sự phát trển đến trình độ cao của nghệ thuật chiến dịch.
Thứ tư, phát huy sức mạnh của các binh chủng, quân chủng trong tác chiến hiệp đồng quy mô lớn (bộ đội xe tăng - thiết giáp; bộ đội pháo binh; bộ đội công binh; bộ đội pháo cao xạ; bộ đội đặc công; bộ đội không quân; bộ đội thông tin liên lạc; bộ đội vận tải…). Qua 03 chiến dịch gối đầu, nối tiếp nhau: Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng, nhất là chiến dịch Hồ Chí Minh đã cho thấy trình độ rất cao của nghệ thuật chỉ huy và điều hành chiến dịch của ta làm cho các binh chủng, quân chủng tham gia chiến dịch đều phát huy tốt tác dụng và sức mạnh của từng lực lượng cho thắng lợi chung của chiến dịch.
Thứ năm, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, kết hợp hoạt động tác chiến của ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích), lấy đòn đánh lớn của chủ lực làm trung tâm phối hợp. Đây là một thành công lớn về phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong phạm vi chiến dịch và cũng là một nét tiêu biểu phát triển cao của nghệ thuật chiến dịch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Nét đặc sắc phát triển nghệ thuật chiến dịch trong cuộc Tổng tiển công và nổi dậy Xuân 1975 là: đòn tiến công như vũ bão của các binh đoàn ở mọi hướng, trong mọi chiến dịch luôn gắn liền với nổi dậy của quần chúng ở các vùng nông thôn, đô thị, địa bàn chiến lược.
Thứ sáu, vận dụng sáng tạo chiến thuật để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến dịch. Sự phát triển về nghệ thuật chiến dịch đã tạo điều kiện để vận dụng thành công các loại hình chiến thuật như điều khiển địch theo ý định của ta, lừa địch, nhử địch vào thế của ta mà đánh... Đồng thời, chiến thuật cũng luôn giữ vai trò rất quan trọng, chiến thuật không thành công thì chiến dịch gặp khó khăn. Chiến dịch lại tạo điều kiện cho chiến thuật phát triển. Cách đánh chiến thuật trong các chiến dịch của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã vừa kế thừa xuất sắc truyền thống đánh giặc giữ nước của ông, cha, đồng thời đã có bước phát triển lên một trình độ cao hơn, trong điều kiện mới đưa tác chiến chiến dịch đến thắng lợi hoàn toàn.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là trận quyết chiến chiến lược, kết thúc toàn thắng và trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta, đồng thời, sự kiện lịch sử này cũng đánh dấu đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đây cũng là mẫu mực về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và của toàn dân tộc.
2. Định hướng vận dụng nghệ thuật quân sự trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Từ những nội dung nghệ thuật quân sự đỉnh cao được rút ra trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975; từ nhiệm vụ, yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; căn cứ vào dự báo các hình thái chiến tranh và đối tượng tác chiến của Đảng, định hướng vận dụng nghệ thuật quân sự vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở những nội dung sau:
Một là, định hướng vận dụng trong xác định phương châm bảo vệ Tổ quốc
Nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa không để bị động, bất ngờ; tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân toàn diện; vừa chiến đấu vừa xây dựng, dựa vào sức mình là chính, ra sức tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi trong điều kiện mới, tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất, đánh bại ý chí xâm lược của địch, kết thúc chiến tranh trong điều kiện có lợi.
“Thực hiện phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến; kiên định nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, linh hoạt về sách lược; giữ “trong ấm, ngoài êm”...; cân bằng hài hòa lợi ích trong quan hệ với các nước; tuân thủ pháp luật quốc tế, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, không để rơi vào thế cô lập, bị động, lệ thuộc, đối đầu; không để nước ngoài lợi dụng, thỏa hiệp với nhau hoặc với các thế lực thù địch, phản động làm phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc; không để nước ta trở thành chiến trường, địa bàn xung đột lợi ích chiến lược của các nước.
Chủ động phòng ngừa, giữ vững ổn định bên trong là chính; ngăn ngừa bất hòa, bất đồng, nguy cơ bạo động, xung đột, chiến tranh, làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch” [4, tr.5-6].
Hai là, định hướng vận dụng phương thức tiến hành chiến tranh ở các hình thái
Tiến hành chống chiến tranh “phi quy ước”: Dựa vào sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; kết hợp quốc phòng, an ninh với ngoại giao; quân đội phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang đánh địch trên bộ và lực lượng bạo loạn để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu của địa phương. Đồng thời phát động nhân dân đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
Tiến hành chiến tranh bảo vệ thông tin và không gian mạng: Sử dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật, chiến thuật, lực lượng tổng hợp, nòng cốt là lực lượng tác chiến mạng tổ chức bảo vệ và tấn công thông tin, lấy phòng, chống là chính; tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế để bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.
Tiến hành chiến tranh bảo vệ biển, đảo: Phát huy sức mạnh thế trận chiến tranh nhân dân trên hướng biển, đảo và hoạt động của dân quân tự vệ biển...; sử dụng lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển làm nòng cốt, kiên quyết tiến công tiêu diệt địch ở các quy mô, kết hợp đấu tranh chính trị, kinh tế, ngoại giao, pháp lý, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong mọi hoàn cảnh, điều kiện.
Tiến hành chiến tranh bảo vệ biên giới: Dựa vào thế trận khu vực phòng thủ vững chắc, tổ chức lực lượng tại chỗ ngăn chặn, tiêu diệt địch tiến công, không để chiến trường lan rộng vào sâu nội địa; kiên quyết đánh bại chiến tranh xâm lấn biên giới của địch.
Chiến tranh chống xâm lược: Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, phòng tránh, đánh trả đòn tiến công hỏa lực đường không... Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, kết hợp đấu tranh chính trị, ngoại giao giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh.
Tiến hành chiến tranh phòng, chống chiến tranh hủy diệt hàng loạt: Dựa vào khu vực phòng thủ chủ động xây dựng các công trình ẩn nấp; trang bị các phương tiện, khí tài cần thiết và tổ chức huấn luyện cho các lực lượng nhân dân thành thục các phương án phòng, chống và tác chiến trong điều kiện đối phương sử dụng vũ khí hủy diệt hành loạt; đấu tranh ngoại giao phản đối chiến tranh hủy diệt hàng loạt bảo vệ quyền con người, môi trường.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đã Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh đã đánh dấu sự phát triển đỉnh cao nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam với những chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, diễn ra trên những không gian rộng lớn, vùng rừng núi, đồng bằng ven biển và đô thị. Các chiến dịch gối đầu và tiếp nhau theo một qũy đạo và sự chỉ đạo chiến lược thống nhất, kết hợp với tác chiến tại chỗ của lực lượng vũ trang địa phương và nổi dậy của quần chúng, lần lượt đập vỡ hệ thống phòng thủ kiên cố, tiêu diệt từng mảng lớn quân địch, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Đến nay, đỉnh cao phát triển nghệ thuật quân sự trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị, góp phần quan trọng định hướng nghệ thuật quân sự vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
[1] Bộ Quốc phòng, Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh (2021), Tổng kết Đảng lãnh đạo quân sự và quốc phòng trong cách mạng Việt Nam (1945-2000), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.
[2] Bộ Quốc phòng, Trung tâm tư điển bách khoa quân sự (2024), Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb. QĐND Quân đội nhân dân, Hà nội.
[3] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (1995), Lịch sử nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong 30 năm chiến trranh chống Pháp, chống Mỹ (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.
[4] Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nghị quyết số 44 ngày 24/11/2023 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị quốc giaSự thật. Hà Nội.
Tag:
NGUYỄN VĂN NGHĨA Học viện Chính trị khu vực I.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 - Ý nghĩa lịch sử đối với công cuộc đổi mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 - Đỉnh cao phát triển nghệ thuật quân sự
Những đóng góp và sự hy sinh to lớn, vĩ đại của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc làm non sông đất nước vang khúc khải hoàn, trường tồn và phát triển*
Thông báo số 127-TB/HVCTKV I điều chỉnh kế hoạch thi kết thúc môn học lớp CCLLCT hệ không tập trung K71.B03 Tỉnh ủy Sơn La, khóa học 2024-2026
Hoạt động tháng 3-2025
Bế giảng Lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung K70.B09 Tỉnh ủy Cao Bằng, khóa học 2023-2025
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước - Bài học về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh trong kỷ nguyên mới
50 năm giải phóng miền nam: Hành trình thống nhất
Một số suy nghĩ về công tác cán bộ của Đảng trong tình hình mới
Nhận thức đúng giá trị thiêng liêng của Chiến thắng 30-4-1975
Liên kết website
Thống kê truy cập
Thông tin liên hệ
Địa chỉ: Số 15, đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội
Email: ttdt.hvct1@gmail.com
Liên hệ: 024.38543970