xem cỡ chữ
T
Cầu Hiền Lương-sông Bến Hải thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: THẾ ĐẠI)
Kỳ 1: Khát vọng nối liền nam-bắc
Cách đây tròn 50 năm, lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975 đánh dấu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cuộc chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước đã giành thắng lợi vĩ đại sau 21 năm trường kỳ kháng chiến. Nhìn lại 50 năm qua, chúng ta không khỏi tự hào với những chiến công hiển hách đã làm rung chuyển địa cầu, mở ra thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ.
Đôi bờ giới tuyến
Sau Hiệp định Geneva năm 1954, hàng triệu gia đình Việt Nam rơi vào cảnh chia lìa, xa cách. Chỉ riêng tại vĩ tuyến 17, đã có khoảng 1 triệu người di cư từ miền bắc vào miền nam, chủ yếu theo các đợt tổ chức của tay sai đế quốc Mỹ. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, hơn 140.000 cán bộ, chiến sĩ, học sinh, trí thức, văn nghệ sĩ… đã tập kết ra miền bắc, mang theo khát vọng ngày trở lại trong một Việt Nam thống nhất.
Trong căn nhà trên phố Đốc Ngữ, Ba Đình, Hà Nội, nhà báo lão thành Hà Đăng - nguyên: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương) dù đã ở tuổi 96 vẫn không quên những ngày lịch sử cách đây 70 năm. Khi ấy, ông là phóng viên Báo Nhân Dân Liên khu 5. Ngày 16/5/1955, hết thời hạn 300 ngày tập kết, ông cùng các đồng chí lên chuyến tàu cuối cùng rời Quy Nhơn ra miền bắc.
Tàu Kilinxki (Ba Lan) chở đoàn cập bến Sầm Sơn. Ông Hà Đăng cùng gần một trăm người nữa đạp xe từ Sầm Sơn ra Hà Nội, rồi vào học ở trường Chèm. Mấy chục ngày sau, ông được điều về làm việc ở Báo Nhân Dân. Ông kể, từ chuyến tập kết ra miền bắc, sau đó, phải mất gần hai mươi năm, tức là đến ngày 30/4/1975, ông và anh trai Đặng Minh Phương (cũng là phóng viên Báo Nhân Dân) mới có dịp được trở về quê hương.
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính-Viễn thông) cũng cùng với hàng chục nghìn thiếu nhi, học sinh miền nam rời cảng Quy Nhơn năm 1954 ra miền bắc học tập. Khi đó ông mới 10 tuổi. Giờ ở tuổi 81, ông vẫn nhớ rất rõ buổi tối hôm đó, khi gia đình ông nhận được thông báo ra miền bắc tập kết. Mẹ ông đã thức cả đêm để may bộ áo bà ba cho ông vì lo lắng con trai không quen với thời tiết lạnh ở miền bắc. Hành trình từ Quy Nhơn đã đưa ông đến Thanh Chương (Nghệ An), Chương Mỹ (Hà Nội), Đông Triều (Quảng Ninh) và sau đó tới Cộng hòa dân chủ Đức học ngành vô tuyến điện.
Ông Trực nhớ lại, ngay từ lúc đặt chân lên miền bắc, thiếu nhi, học sinh miền nam đã rất xúc động trước sự đón tiếp nồng nhiệt và ấm áp của đồng bào nơi đây. Thời kỳ đầu, ông được phân về ở nhà của người dân, ba đến bốn học sinh trong một gia đình. Dù sống xa vòng tay của mẹ và anh em, ông cũng phần nào vơi bớt nỗi buồn khi đồng bào miền bắc luôn dành tình cảm và sự quan tâm cho các học sinh miền nam, từ việc đốt củi sưởi ấm khi mùa đông về đến những nồi khoai, sắn luộc nóng hổi, mặc dù cuộc sống khi đó còn nghèo khó, thiếu thốn.
Theo ông Trực, mô hình các trường học sinh miền nam nội trú được thành lập từ năm 1955 là một mô hình đặc biệt, giúp những thế hệ của ông trưởng thành trong học tập và rèn luyện nhân cách. Điều ông nhớ nhất là những năm này, ông có dịp được gặp Bác Hồ vào năm 1959 và 1962. Những lần Người đến thăm học sinh miền nam, ông nhớ rõ lời dặn dò của Người, đặc biệt về sự đoàn kết, đoàn kết giữa học sinh các vùng miền, đoàn kết với thiếu nhi và đồng bào miền bắc.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, các thầy, cô giáo đã hết lòng đào tạo học sinh miền nam phát triển toàn diện, trước là học làm người, rèn luyện nhân cách, nhất là tính trung thực, lòng biết ơn, ý thức tập thể và sự dấn thân. Cũng từ đó, ngay từ những ngày đầu miền nam được giải phóng, hầu hết cựu học sinh miền nam đã trở về miền nam, tham gia tiếp quản và xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, trở thành đội ngũ cán bộ chủ chốt hoạt động trên tất cả các lĩnh vực.
Theo ông Trực, đó là thể hiện lòng biết ơn sâu nặng đối với Đảng, Bác Hồ và nhân dân miền bắc, cũng như nhân dân miền nam, và tinh thần luôn khát khao cống hiến, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Điều đó cũng thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng và Bác Hồ khi biết trước cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà còn khó khăn, gian khổ, cho nên việc chuẩn bị lực lượng cho giai đoạn cách mạng sau này là rất quan trọng.
Mặc dù vẫn phải đối diện nỗi đau chia cắt, nhưng với nhân dân Việt Nam, Hiệp định Geneva là một thắng lợi lịch sử. Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang, nhìn từ Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã có một chiến thắng chấn động địa cầu, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ.
Thế nhưng, nhìn từ cục diện quốc tế khi đó, thế và lực của ta chưa đủ mạnh để giải phóng hoàn toàn đất nước. Trong thời điểm đế quốc Mỹ có mưu đồ và dã tâm thế chỗ thực dân Pháp, Đảng và Chính phủ ta cần phải tính đến kế hoạch đối đầu với một cường quốc khác, mạnh hơn rất nhiều. “Bên cạnh đó, chúng ta cần một quá trình hồi phục sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Cần xây dựng miền bắc trở thành hậu phương vững mạnh, chuẩn bị điều kiện để tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ sau này”, Giáo sư Vũ Minh Giang nhìn nhận.
Nỗi đau chia cắt
Với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu của Trường đại học Sư phạm Huế, anh đã chuyển hóa nỗi đau chia cắt của gia đình, người thân thành động lực sáng tạo bằng việc tái hiện lịch sử qua cuốn sách Đôi bờ giới tuyến (1954-1975).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Hiếu sinh ra ở quê nội Triệu Phong và lớn lên ở quê ngoại Vĩnh Linh. Hai nơi đều thuộc tỉnh Quảng Trị, chỉ cách nhau khoảng 40 km. Vậy mà, để trở lại quê sau khi tập kết ra Vĩnh Linh, ông bà nội và bố anh cùng nhiều gia đình có chung hoàn cảnh đã phải mất 21 năm ròng rã. Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải đã trở thành điểm ngăn cách hai miền, tạm thời chia đôi đất nước với sự chia ly của hàng triệu gia đình. Cuốn sách không chỉ tái hiện lịch sử qua tài liệu hai phía và lời kể của các nhân chứng, mà còn là lát cắt sâu sắc về những mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam.
Trở lại mảnh đất Quảng Trị lịch sử lần này, chúng tôi gặp lại bà Hoàng Thị Chẩm - vốn là du kích xã Trung Hải, xã bờ Nam sông Bến Hải, năm nay 76 tuổi, ở thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, đang được tỉnh Quảng Trị đề xuất các cấp trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hơn 50 năm trước, vào ngày 15/9/1973, bà Chẩm vinh dự được Chủ tịch Cuba Fidel Castro bắt tay, hỏi thăm ngay trên “Hàng rào điện tử Mc Namara”, khi ông đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Bà Chẩm ngày ấy là du kích gan dạ nổi tiếng của xã Trung Hải, một xã nằm sát bờ Nam sông Bến Hải và căn cứ Dốc Miếu, một điểm trọng yếu của “Hàng rào điện tử Mc Namara” nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền bắc cho tiền tuyến lớn miền nam. Nhiệm vụ hằng ngày của bà là bắn tỉa lực lượng địch tại căn cứ Dốc Miếu. Bà bắn tỉa thiện xạ đến nỗi tên của bà đã trở thành nỗi ác mộng đối với địch. Bà có chín lần được khen thưởng vì thành tích bắn tỉa trong giai đoạn từ 1967 đến tháng 4/1972.
Phía bờ Bắc sông Bến Hải là xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh. Khu vực Vĩnh Linh ngày ấy là tuyến đầu của miền bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền nam, là chiến trường nóng bỏng, khốc liệt nhất giữa ta và địch. Đảng và Bác Hồ có kế hoạch đưa học sinh Vĩnh Linh ra bắc để tránh bom đạn cũng như xây dựng “những hạt giống đỏ” cho đất nước sau ngày hòa bình.
Bà Lê Thị Vân, con gái của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Em (thôn Tân Trường, xã Hiền Thành) xúc động kể lại: Ngày 27/9/1967, chuyến xe chở 40 học sinh xã Vĩnh Hiền (nay là xã Hiền Thành) rời Vĩnh Linh, khi đến địa phận Mỹ Trung, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, thì cả xe bị trúng bom Mỹ làm 39 học sinh mãi mãi ra đi (trong đó, có anh trai bà Vân, một thầy giáo và hai chiến sĩ bảo vệ).
Trong những năm tháng đau thương đó, cùng người dân Quảng Trị, dòng họ Lê Tích của gia đình bà Lê Thị Vân mọi người đều cầm súng ra trận bảo vệ quê hương. Sau khi đất nước thống nhất, dòng họ Lê Tích của bà Vân ở tại xã Hiền Thành chỉ còn lại 3 gia đình, có đến 17 liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang của xã. Xương máu của họ đã hòa vào lòng đất góp phần làm nên một Quảng Trị trung dũng, kiên cường, bất khuất. Sự cống hiến, hy sinh, mất mát của dòng họ Lê Tích là hình ảnh khái quát nhất về sự cống hiến, hy sinh to lớn của người dân Quảng Trị đối với Tổ quốc.
Những ngày tháng Tư lịch sử, nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải. “Sông Bến Hải bên trong bên đục/Trách ai làm cho non nước chia đôi”. Câu hò day dứt ngày ấy đến hôm nay vẫn còn thấm sâu trong tâm thức của nhiều người.
Ngày nay, khách tham quan đi trên di tích cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải cũng chỉ mất vài phút. Thế nhưng để có được giây phút hạnh phúc này, nhiều người đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình bằng máu và nước mắt mới thống nhất được đất nước, non sông thu về một mối vào tháng 4/1975. Có thấu hiểu những ngày đất nước chia cắt, sự hy sinh xương máu của thế hệ đi trước trong cuộc kháng chiến vĩ đại, thế hệ hôm nay càng trân quý hơn giá trị của hòa bình, độc lập, thống nhất của Tổ quốc.
Tag:
Theo thongnhatdatnuoc.nhandan.vn
Đại thắng mùa xuân năm 1975 - Ý nghĩa lịch sử đối với công cuộc đổi mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 - Đỉnh cao phát triển nghệ thuật quân sự
Những đóng góp và sự hy sinh to lớn, vĩ đại của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc làm non sông đất nước vang khúc khải hoàn, trường tồn và phát triển*
Thông báo số 127-TB/HVCTKV I điều chỉnh kế hoạch thi kết thúc môn học lớp CCLLCT hệ không tập trung K71.B03 Tỉnh ủy Sơn La, khóa học 2024-2026
Hoạt động tháng 3-2025
Bế giảng Lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung K70.B09 Tỉnh ủy Cao Bằng, khóa học 2023-2025
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước - Bài học về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh trong kỷ nguyên mới
50 năm giải phóng miền nam: Hành trình thống nhất
Một số suy nghĩ về công tác cán bộ của Đảng trong tình hình mới
Nhận thức đúng giá trị thiêng liêng của Chiến thắng 30-4-1975
Liên kết website
Thống kê truy cập
Thông tin liên hệ
Địa chỉ: Số 15, đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội
Email: ttdt.hvct1@gmail.com
Liên hệ: 024.38543970