Sign In

Toàn văn bài phát biểu của Đồng chí Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I tại buổi gặp mặt các thế hệ cán bộ viên chức, người lao động nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

  14:35 21/11/2024
Cổng Thông tin điện tử Học viện Chính trị khu vực I trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của PGS,TS Nguyễn Vĩnh Thanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I tại buổi gặp mặt các thế hệ cán bộ viên chức, người lao động nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024.

Kính thưa PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; quý vị đại biểu; các thầy, cô giáo và toàn thể các đồng chí!

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Từ ngàn xưa, nghề dạy học được xã hội tôn vinh là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Quan niệm đó đã thấm sâu, trở thành giá trị văn hóa, hun đúc lên tinh thần hiếu học, tôn trọng tri thức, tôn trọng hiền tài của dân tộc Việt Nam. Để tiếp nối những giá trị cao đẹp, nhân văn của dân tộc, các thế hệ nhà giáo có vai trò to lớn trong việc gìn giữ, trao truyền và bồi đắp cho đến hôm nay.

Khẳng định vị trí, vai trò của nhà giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục,… Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa”, “Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất”. Giá trị, nhiệm vụ cao cả của nhà giáo lại càng được nhân lên, tự hào đối với nhà giáo trường Đảng, được coi là đội quân “tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận”. Ngày 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để tri ân các thầy, cô - những người có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, Nhà nước.

Kính thưa các đồng chí !

Nếu coi phát triển là sự kế thừa truyền thống, bồi trúc giá trị hiện tại để phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, thì chúng ta có quyền tự hào về thế hệ nhà giáo hôm nay đang viết tiếp trang sử vẻ vang của Học viện cùng với những giá trị chủ đạo được lan tỏa: (i) Giảng dạy, nghiên cứu đảm bảo bản chất Trường Đảng; (ii) Xây dựng môi trường văn hóa học đường kỷ luật, kỷ cương, nhân văn; (iii) Đổi mới phương pháp giảng dạy lấy người học là trung tâm.

Những giá trị đổi mới và lan tỏa trên chính là chúng ta đã hiện thực hóa những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dạy và học lý luận ở trường Đảng: Học cốt để áp dụng vào thực tế công tác; lý luận gắn liền với thực tiễn.

Tại buổi gặp mặt hôm nay, chúng ta cũng có quyền tự hào về một tập thể đoàn kết và chia sẻ; chung sức và đồng hướng đổi mới mô hình dạy và học; một tập thể đồng lòng kiến tạo môi trường xanh, sạch, sáng, giàu tính nhân văn và tăng cường kết nối. Những nụ cười giòn tan sau giờ học tập trên giảng đường, những tiếng hò reo vui vẻ trong mỗi đợt sinh hoạt tập thể, ngoại khóa, văn nghệ - thể thao của viên chức, người lao động và học viên tiếp thêm những năng lượng tích cực, bổ dưỡng tinh thần, tạo động lực khích lệ phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt, phần nào bù đắp, chia sẻ những khó khăn, vất vả của nghề dạy học, như lời Bài hát: Tự hào! Mái trường mang tên Bác của Nhạc sĩ Lê Thăng viết về Học viện chúng ta:

“Ngày lại ngày soạn từng trang giáo án. Mái tóc thầy giờ đã pha sương;

Ngày lại ngày giọng cô vang thắm thiết. Đuôi mắt giờ hằn dấu chân chim”.

Kính thưa các thầy cô và toàn thể các đồng chí!

Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo 20/11 năm nay trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến đổi sâu sắc, có tính chất bước ngoặt. Thông điệp hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân của đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Cùng vào thời điểm này, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đón nhận Kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển Học viện Chính trị quốcgia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2045, với quan điểm phát triển: Xây dựng và phát triển Học viện thật sự trở thành hình mẫu về công tác xây dựng Đảng; địa chỉ đỏ ươm trồng những phẩm chất tốt đẹp của người cộng sản; cái nôi để rèn luyện tính Đảng, văn hóa Đảng và bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, đảng viên tham gia công tác, học tập, bồi dưỡng tại Học viện,... góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, có tinh thần “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.

Để triển khai quan điểm, yêu cầu phát triển Học viện trong bối cảnh mới, chúng ta tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống trường Đảng, giữ vững và phát huy cho được yêu cầu tổ chức giảng dạy, nghiên cứu đảm bảo bản chất trường Đảng. Đây chính là giá trị tạo nên sứ mệnh vinh quang, trọng trách to lớn được Đảng, Nhà nước giao phó.

Chúng ta cần nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ, để thực sự xứng đáng với đánh giá và ghi nhận của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “Học viện I là nơi khởi nguồn của đổi mới sáng tạo”. Chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số trong dạy và học, sử dụng nền tảng công nghệ số, thiết lập mô hình giảng dạy thông minh, xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên tri thức, đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn học tập cá thể với học tập tập thể, phát triển năng lực tự học mà không giới hạn về không gian, thời gian, góp phần hình thành tầm nhìn, tư duy lãnh đạo quản lý, phương pháp làm việc biện chứng. Tinh thần này phù hợp với đổi mới của nền giáo dục hiện đại: Nội dung kiến thức chỉ là phương tiện mà thông qua đó để đạt đến kỹ năng cốt lõi, để thay đổi nhận thức, cải biến tư tưởng và hình thành năng lực học tập suốt đời; cách thức học tập là nắm lấy sự việc, tình huống, vấn đề để đi vào phân tích các yếu tố cốt lõi bằng một nhãn quan khoa học, đa chiều, có tính hệ thống, và không chấp nhận giải thích sự vật ở việc mô tả giá trị bề mặt.

Trong bối cảnh, yêu cầu mới, chúng ta tiếp tục giữ vững, phát huy xây dựng môi trường dạy - học rèn luyện tính Đảng, thực hành văn hóa Đảng cùng với những giá trị cốt lõi: KIÊN ĐỊNH - THỰC TẾ - SÁNG TẠO - KẾT NỐI- PHỤNG SỰ. Đây là nền móng vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn, định hướng cho việc hoàn thiện thể chế, thiết chế mang đậm bản chất trường Đảng.

Chúng ta cũng hướng tới xây dựng tổ chức Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, là hình mẫu để học viên học tập, tham khảo và nhân rộng về mô hình thực hiện các nguyên tắc đảng trong dạy và học; là mẫu hình về tính nhân văn và sự say mê, nhiệt huyết với công việc dạy, học của giảng viên và học viên; là mẫu hình nêu gương của cán bộ, giảng viên về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tác phong, lề lối làm việc…

Kính thưa các đồng chí!

Định dạng bối cảnh mới để xác định những công việc trọng tâm cần tiếp tục thực hiện trong lộ trình đổi mới sáng tạo. Sự kiên định mục tiêu, nguyên tắc phải được thể hiện thông qua hành động của mỗi viên chức, người lao động và học viên. Thành công chỉ đến khi chúng ta kiên trì, cần cù, nỗ lực cố gắng tới mục tiêu cuối cùng trong việc giữ gìn, phát huy bản chất trường Đảng. Đây chính là giá trị của đạo đức cách mạng mà người Thầy trường Đảng cần rèn luyện, tu dưỡng và thực hành nêu gương; đồng nghĩa với nó là mỗi chúng ta cần quyết tâm vượt qua cái Tôi của chính mình ở cả hai khía cạnh tri thức lẫn cảm xúc.

Nhân dịp này, tôi kêu gọi mỗi thầy, cô cần tiếp tục thắp lên ngọn lửa của khát vọng, của bản lĩnh và trí tuệ; phát huy truyền thống tự lực, tự cường, xứng đáng là đội quân tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng, với sự hội tụ các phẩm chất: Cao về tính Đảng; cao về trí tuệ; vững vàng về bản lĩnh; mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng và khát vọng cống hiến!

Cuối cùng, tôi xin kính chúc quý vị đại biểu, các thế hệ nhà giáo, các đồng chí học viên nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thành công.

 

Tag:

PGS,TS Nguyễn Vĩnh Thanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I

Alternate Text

  • Địa chỉ: Số 15, đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

  • Email: ttdt.hvct1@gmail.com

  • Liên hệ: 024.38543970