“Thể chế về đất đai trong quá trình phát triển đất nước"

12/11/2013 08:11 AM


Thể chế về đất đai trong quá trình phát triển đất nước"

 

           Ngày 10/8/2013 tại Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I, Hội thảo Khoa học đột xuất phát sinh cấp Nhà nước: “Thể chế về đất đai trong quá trình phát triển đất nước", mã số ĐTĐL/2012, do PGS, TS Nguyễn Cúc, Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I làm chủ nhiệm đề tài; PGS, TS Hoàng Văn Hoan - Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I, thư ký đề tài.

          Tham dự Hội thảo có các nhà khoa trong Ban Chủ nhiệm đề tài; các giáo sư giàu kinh nghiệm đến từ các trường: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Lao động Xã hội, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Hành chính; các chuyên gia trong lĩnh vực đối tác công tư, các luật sư trong nước và quốc tế; các chuyên gia đến từ: Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương; Cục Quản lý Đấu thầu, Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Vụ pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính - Bộ Tư Pháp; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Đại diện các nhà khoa học của Học viện có các khoa: Quản lý Kinh tế, Kinh tế chính trị, Kinh tế phát triển, Khoa Triết học, Nhà nước và Pháp luật, Chính trị học,... cùng tham dự hội thảo.

          Chủ trì Hội thảo: PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Giám đốc Học viện; PGS, TS Vũ Văn Phúc - Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS Nguyễn Cúc - Chủ nhiệm đề tài; PGS, TS Hoàng Văn Hoan - Phó Giám đốc Học viện; Thư ký Hội thảo có: TS Vũ Thị Hoài Phương - Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật; ThS Nguyễn Văn Tặng – Phó Trưởng Ban Quản lý khoa học.

 

PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Giám đốc Học viện phát biểu tại buổi HTKH

 

          Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Cúc thay mặt Ban chủ nhiệm, chủ trì Hội thảo đã nêu bật nội dung, ý nghĩa của đề tài “Thể chế về đất đai trong quá trình phát triển đất nước". PGS cho rằng, đất đai là “báu vật do tự nhiên ban tặng”. Con người có thể sản xuất ra nhiều thứ, nhưng không thể sản suất ra đất đai. Đất đai là thứ của cải vô cùng quý giá với con người. Mỗi con người sinh ra đều có đất nước – Tổ quốc của mình, mà ở đó mỗi tấc đất đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, xương máu của ngàn đời cha ông. Đất đai càng trở nên quý giá với con người khi mà con người không ngừng sinh sôi nẩy nở còn đất đai lại không thể sinh thêm ra, điều kiện “có đất để sống” của con người ngày một trở nên eo hẹp. Do vậy, thời nào cũng vậy đất đai luôn là vấn đề xã hội phức tạp nhất, là nguyên nhân của nhiều cuộc xung đột, bất ổn xã hội.

 

PGS.TS Nguyễn Cúc phát biểu tại buổi HTKH

 

         Thể chế đất đai là hệ thống pháp quy chi phối các quan hệ phát sinh trong việc xác lập và vận động các quan hệ đất đai bao gồm: Hiến pháp, pháp luật, chính sách, các giá trị truyền thống để điều chỉnh các quan hệ sở hữu, quản lý sử dụng và các yếu tố pháp lý khác tác động đến cơ chế vận hành các quan hệ đất đai. Hệ thống thể chế về đất đai ở nước ta đã có bước tiến và có tác động to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn vướng mắc về một số vấn đề cơ bản nên gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai.

          Các công trình nghiên cứu thể chế, chính sách của nhà nước về đất đai, quyền sử dụng đất đai trong nước đã góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, cũng như thực tiễn chính sách về đất đai ở Việt Nam. Nhiều nhà khoa học và thực hành chính sách tập trung phân tích vấn đề đất đai từ trên xuống (top-down approach) thì một số khác lại nhìn từ dưới lên (botton-up approach) hoặc sử dụng cách tiếp cận cộng đồng (community approach) để phân tích các mối quan hệ đất đai đã và đang vận hành ở Việt Nam. Dù đi sâu vào khía cạnh sử dụng, quản lý hay sở hữu đất đai, phần lớn tài liệu nghiên cứu hiện có đồng thuận ở chỗ: Coi đất đai có nhiều giá trị kinh tế và ý nghĩa chính trị đối với các thực thể xã hội và nhà nước; Đổi mới chính sách đất đai ở Việt Nam trong bối cảnh giải thể nền sản xuất nông nghiệp tập thể và chính sách đổi mới nền kinh tế quốc gia nói chung từ những năm 80 của thế kỷ XX đã tạo ra một sự chuyển đổi quan trọng trong cấu trúc, quan hệ đất đai cũng như trong hệ thống pháp luật về đất đai, góp phần to lớn vào việc phục hồi nền kinh tế hộ, thúc đẩy tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu mở ra một thời kỳ tự do hoá và thương mại hoá trên nhiều lĩnh vực ở khu vực nông thôn Việt Nam.

          Ngày nay, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều coi đất đai như một loại tài sản đặc biệt, vì vậy về mặt thể chế vừa mang tính dân sự, vừa mang tính nguồn lực công với sự tác động đan xen của các yếu tố kinh tế, chính trị, lịch sử văn hóa. Nghiên cứu thể chế đất đai trong quá trình phát triển đất nước là cấp thiết cả trên phương diện khoa học, thực tiễn và thể chế - chính sách.

 

PGS, TS Hoàng Văn Hoan phát biểu tại buổi HTKH

 

          Hội thảo nhận được 30 bài viết, 7 ý kiến tham luận. Các chủ đề trình bày và thảo luận rất phong phú: Hệ thống hoá cơ sở lý luận về thể chế và thể chế về đất đai;   đánh giá thực trạng thể chế về đất đai ở Việt Nam thời gian qua: Ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân; Đề xuất quan điểm, giải pháp và điều kiện hoàn thiện thể chế đất đai ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

          Trên cơ sở mục tiêu của chương trình, của đề tài, ý kiến của các chuyên gia, thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài, chủ trì Hội thảo - PGS.TS Vũ Văn Phúc đã tổng kết khẳng định các ý kiến phát biểu thẳng thắn, khoa học bám sát thực tiễn của đất nước làm phong phú chủ đề cho Hội thảo. Cụ thể là: 1) hệ thống hoá cơ sở lý luận về thể chế và thể chế về đất đai; 2) phân tích, đánh giá một cách kĩ lưỡng và có hệ thống những vấn đề về bối cảnh, nguyên nhân, nội dung, hậu quả và tác động của quá trình đổi mới chính sách đất đai trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội; xem xét các tác động của nó đối với một số lĩnh vực như sở hữu, quản lí, quyền tài sản, tiếp cận và sử dụng đất đai, thu hồi quyền sử dụng và chuyển đổi sinh kế, tìm hiểu các biến đổi trong cấu trúc và quan hệ đất đai; mối liên hệ giữa hoạch định, thực hiện và đổi mới chính sách đất đai ở Việt Nam; 3) đề xuất quan điểm, giải pháp và điều kiện hoàn thiện thể chế đất đai ở Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

          Hội thảo đã hoàn thành mục đích, nhiệm vụ và chương trình của đề tài.

 

  • Đang truy cập:1
  • Hôm nay: 0
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Địa chỉ: Số 15, đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội
Email: ttdt.hvct1@gmail.com.
Liên hệ: 024.38543970