
Ban chủ trì Hội thảo
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo, viên chức Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, các khoa chuyên môn và toàn thể giảng viên tại Học viện.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS,TS Hoàng Văn Hoan, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Với vai trò là phên dậu, lá phổi xanh của phía Bắc Việt Nam, các tỉnh miền núi phía Bắc với tiềm năng, thế mạnh của vùng là nông, lâm nghiệp hàng ngàn đời nay, bên cạnh đó nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc luôn bám bản, bám làng, vừa thực hiện sản xuất nông lâm nghiệp vừa bảo vệ tổ quốc. Từ khi thực hiện nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách, đầu tư nhiều tiền của, công sức cho phát triển nông thôn, miền núi, trong đó có việc giải quyết mối quan hệ giữa nông nghiệp- nông dân- nông thôn. Mối quan hệ giữa giữa nông nghiệp-nông dân- nông thôn ở các tỉnh miền núi phía Bắc từng bước được giải quyết một cách căn bản, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao. Để vùng tiếp tục phát triển và nâng cao đời sống của nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TƯ - Nghị quyết TW 5 khóa XIII thì việc giải quyết mối quan hệ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề cấp bách.
Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ quá trình triển khai thực hiện thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian qua, đánh giá những thành tựu, hạn chế và đưa ra các khuyến nghị, giải pháp để thực hiện có hiệu quả mối quan hệ tam nông trong bối cảnh mới. Bổ sung thêm nguồn tài liệu cho việc nghiên cứu giảng dạy các nội dung liên quan của các khoa chuyên môn tại Học viện chính trị khu vực I, đồng thời gắn với việc thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Để Hội thảo đạt được mục đích, yêu cầu đã đặt ra, PGS,TS Hoàng Văn Hoan đề nghị các tham luận được trình bày tại Hội thảo phải bảo tính toàn diện, cập nhật, hữu ích và gợi mở được các vấn đề trao đổi, chia sẻ giữa các giảng viên, các nhà khoa học, các chuyên gia đang nghiên cứu và giảng dạy có liên quan đến chủ đề của hội thảo. Các vấn đề trao đổi tại Hội thảo đảm bảo tiếp cận dưới nhiều phương diện liên ngành các môn khoa học: Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước và Pháp luật, Lãnh đạo học và Chính sách công, Xây dựng Đảng, Văn hóa và Phát triển, Dân tộc và Tôn giáo, Xã hội học và Phát triển, Chính trị học và Quan hệ quốc tế, …
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận một số nội dung liên quan đến các chủ đề: Mối quan hệ giữa nông nghiệp - nông dân - nông thôn: Từ lý luận đến định hướng chính sách phát triển; Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa nông nghiệp-nông dân-nông thôn và sự vận dụng của Đảng trong giai đoạn hiện nay; Quan điểm của Đảng về phát triển nền nông nghiệp hiện đại, thay đổi bộ mặt nông thôn và chất lượng sống của người nông dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Xây dựng giai cấp nông dân nhằm khẳng định vai trò chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở vùng trung du và miền núi phía Bắc hiện nay; Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong việc xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh phía Bắc; Hoàn thiện thể chế trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở các tỉnh phía Bắc.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Vĩnh Thanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện mong muốn, trên cơ sở các bài viết cùng các tham luận tại Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ bổ sung, hoàn thiện những vấn đề nghiên cứu trên cơ sở bám sát mục tiêu, nội dung của Hội thảo. Đồng thời, căn cứ vào nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TƯ - Nghị quyết TW 5 khóa XIII, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, các cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học cấp cơ sở để phù hợp với nội dung giảng dạy của các khoa chuyên môn.
Đánh giá chung về hoạt động nghiên cứu khoa học tại Học viện, PGS,TS Nguyễn Vĩnh Thanh cho rằng trong năm 2022, Học viện đã thúc đẩy nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tuy nhiên các nhiệm vụ chưa thực sự phát huy tốt hiệu quả trong phục vụ hoạt động giảng dạy và thực tiễn. Đồng chí kỳ vọng trong năm 2023, trên cơ sở xây dựng quy trình đảm bảo chất lượng nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học, giảng viên tại Học viện sẽ có những điều chỉnh tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm đảm bảo thực chất hơn nữa để phục vụ hoạt động giảng dạy tại Học viện một cách tốt nhất.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:

TS Đỗ Đức Quân, Trưởng khoa Kinh tế chính trị phát biểu tại Hội thảo

ThS Nguyễn Thị Quyến, Phó Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh trình bày tham luận tại Hội thảo

TS Lê Thúy Hằng, Phó Trưởng khoa Xã hội học và phát triển trình bày tham luận tại Hội nghị