Dự Hội thảo còn có TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội cùng các nhà khoa học trong và ngoài Học viện, giảng viên các khoa chuyên môn tham dự.

TS. Vũ Văn Hậu, Phó Giám đốc Học viện báo cáo đề dẫn Hội thảo
Báo cáo Đề dẫn Hội thảo TS. Vũ Văn Hậu, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh, giảm nghèo là một trong những chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa và có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững của đất nước. Tiếp tục tinh thần phát triển bao trùm, không bỏ lại ai ở phía sau, Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu đến 2025, giảm tỉ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Với sứ mệnh quan trọng trong quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác xóa đói giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thúc đẩy đổi mới quan điểm, tư duy trong xây dựng chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều nói chung và giảm nghèo đa chiều đối với cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói riêng. Với mục tiêu đó, Học viện Chính trị khu vực I tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Nghèo đa chiều và định hướng chính sách đối với dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay”. Thay mặt Ban chủ trì Hội thảo TS. Vũ Văn Hậu mong muốn các nhà khoa học sẽ nhiều đóng góp tâm huyết, có ý nghĩa thiết thực đối với nội dung đánh giá về nghèo đa chiều và chính sách giảm nghèo đa chiều đối với dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo đã nhận được 24 bài viết của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên trong và ngoài Học viện thể hiện quan điểm, cách nhìn tổng quan về quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo đa chiều bền vững; Thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều bền vững ở Việt Nam: Thành tựu và thách thức; Quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo đa chiều bền vững đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số; Chuẩn nghèo đa chiều: Vấn đề đặt ra cho công tác giảm nghèo bền vững của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nước ta hiện nay; Chuẩn nghèo đa chiều: Những vấn đề đặt ra cho công tác xoá đói giảm nghèo bền vững ở nước ta hiện nay...vv.

TS. Lê Thúy Hằng, Phó Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển phát biểu tại Hội thảo
Tại hội thảo, các nhà khoa học tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung, chủ đề Hội thảo đề cập đến, vấn đề tổng quan chuẩn nghèo qua các thời kỳ ở Việt Nam; những quan điểm, thay đổi nhận thức từ đó đặt ra chuẩn nghèo đa chiều ở Việt Nam, một số kết quả cốt lõi về thực hiện chính sách giảm nghèo ở dân tộc thiểu số miền núi, những tồn tại, thách thức và quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo đa chiều và thực tiễn thực hiện giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam; thực tiễn tổ chức thực hiện giảm nghèo đa chiều và những vấn đề đặt ra đối với công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.

TS. Tạ Thị Đoàn, Phó Trưởng Ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế phát biểu tại Hội thảo

TS. Giang Thị Huyền, Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Vũ Văn Hậu, Phó Giám đốc Học viện đánh giá cao những bài viết của các nhà khoa học gửi đến Hội thảo. Hội thảo đã giải quyết được mục tiêu đề ra, thống nhất được tiêu chí với cái nhìn đa chiều; có sự khái quát về tư duy đổi mới của Đảng ta về vấn đề đói nghèo và tiếp cận giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam; tập trung phân tích quá trình thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện nghèo đa chiều và định hướng chính sách đối với dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, đánh giá tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện giảm nghèo ở dân tộc thiểu số miền núi phia Bắc thông qua hoạt động văn hóa, kinh tế và các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó Hội thảo cũng giúp các nhà khoa học nhận diện những vấn đề xã hội đặt ra trong bối cảnh mới, từ đó đề xuất những giải pháp trong thời gian tới nhằm thực hiện giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam hiện nay.
Đồng chí cũng đề nghị đơn vị chủ trì Hội thảo nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội thảo để tu chỉnh, hoàn thiện Kỷ yếu, đồng thời hệ thống lại thông tin, dữ liệu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng Cao cấp lý luận chính trị và các lớp bồi dưỡng chức danh tại Học viện, xây dựng báo cáo kiến nghị báo cáo cấp trên theo yêu cầu.