
Toàn cảnh Hội thảo
PGS,TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học; PGS,TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; các đồng chí Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: PGS,TS Đỗ Xuân Tuất và TS Đinh Ngọc Qúy cùng chủ trì Hội thảo.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS,TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, cách đây tròn 35 năm (1987-2022), từ ngày 20/10 đến ngày 20/11/1987, Khóa họp lần thứ 24, Đại Hội đồng của UNESCO tại Pari đã thông qua Nghị quyết 24C/18.6.5 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. UNESCO ghi nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh “…là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”; “…là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc của mình”; “đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, vì một nền hòa bình và phát triển hữu nghị giữa các dân tộc”.

PGS,TS Đinh Ngọc Giang báo cáo đề dẫn Hội thảo
PGS,TS Đinh Ngọc Giang khẳng định, đây là sự kiện hết sức có ý nghĩa, thể hiện sự trân trọng, đánh giá khách quan của nhân loại đối với những cống hiến và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là một trong những vĩ nhân của thời đại, là hiện thân của văn hóa tương lai, đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của dân tộc Việt Nam và đóng góp vào tiến trình lịch sử nhân loại. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi nói về giá trị bền vững của di sản Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đây là một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng biết bao giá trị, giá trị đó nói cho cùng là giá trị văn hóa mà chúng ta khai thác chưa được bao nhiêu. Sắp tới, chúng ta hãy dày công nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh với những biện pháp thiết thực, đưa tới những hiệu quả và kết quả thiết thực”.
PGS,TS Đinh Ngọc Giang nhấn mạnh, thế giới có thể đổi thay, nhưng di sản Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị, còn sống mãi, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử Việt Nam có được sau hơn 35 năm đổi mới là minh chứng sinh động khẳng định những giá trị trường tồn, bền vững của di sản Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sự nghiệp đổi mới hiện nay vẫn còn vô vàn khó khăn, thách thức, đòi hòi cần phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy hơn nữa những giá trị bền vững của di sản Hồ Chí Minh.

GS,TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tham luận tại Hội thảo

TS Phạm Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ bối cảnh và nội dung Nghị quyết UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh; làm sâu sắc hơn những nội dung chứa đựng các giá trị bền vững của di sản Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xây dựng lực lượng cách mạng và khối đại đoàn kết dân tộc, về nhà nước kiểu mới, của dân, do dân và vì dân...; quá trình vận dụng và phát huy các giá trị bền vững cùa di sản Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam; từ đó kiến nghị các giải pháp phát huy hơn nữa di sản Hồ Chí Minh trong thời gian tới, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay./.