Cùng chủ trì Hội thảo khoa học có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hải Phòng;
Dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, thành phố Hải Phòng và các địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường đại học, viện nghiên cứu; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và người lao động Tổng công ty xi măng Việt Nam qua các thời kỳ.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định Hội thảo là dịp để nhìn lại 65 năm ngành Xi măng thực hiện lời Bác Hồ dạy; tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò, sứ mệnh của ngành Xi măng Việt Nam trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đánh giá những kết quả đạt được; đề xuất các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp để tiếp tục phát triển ngành Xi măng Việt Nam trong giai đoạn mới; góp phần cùng với toàn ngành và cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Ngày 30/5/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Nhà máy Xi măng Hải Phòng -nhà máy duy nhất của Việt Nam vào thời điểm đó. Người đến thăm, nói chuyện và căn dặn: "Phải tăng gia sản xuất; phải thực hành tiết kiệm; phải tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động; phải ra sức học tập trau dồi văn hóa, chính trị và kỹ thuật; phải đoàn kết, thật thà phê bình và tự phê bình".
Hiện thực hóa lời căn dặn của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trong suốt các chặng đường cách mạng, ngành xi măng Việt Nam ghi nhận bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước cũng như ngành xây dựng.
Sau thập niên 70 - 80, các nhà máy xi măng như Bỉm Sơn, Hà Tiên, Hoàng Thạch được xây dựng. Từ nước thiếu xi măng trầm trọng trước năm 1993, đến nay Việt Nam trở thành nước đứng đầu khối ASEAN về sản lượng xi măng và đứng thứ 5 thế giới về sản xuất và tiêu thụ xi măng với tổng công suất thiết kế khoảng 100 triệu tấn/năm. Đến nay, Việt Nam tự sản xuất đủ xi măng phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, hơn 35 năm đổi mới, phát huy truyền thống vẻ vang, khát vọng phát triển vươn lên mạnh mẽ, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn tích cực đề ra nhiều sáng kiến, tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật, các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, ngành Xi măng Việt Nam đã có những bước chuyển to lớn đồng hành với tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới. Tiềm năng phát triển của công ty xi măng rất lớn, tiếp tục là lĩnh vực công nghiệp quan trọng đáp ứng yêu cầu xây dựng nhiều dự án công nghiệp lớn, phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông, đô thị và nhà ở. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương: Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; mở ra một hướng đi mới, mang tính đột phá đối với sự phát triển của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam.

Các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận bàn tròn
Tuy nhiên, tình hình quốc tế và trong nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng không đều, thậm chí có thể rơi vào suy thoái; áp lực lạm phát, rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển gia tăng, v.v.. gây ra những biến độngbất lợi cho các thị trường xuất khẩu xi măng.
Trong khi đó, nguy cơ kinh tế nước ta chậm phục hồi đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao trong lúc toàn Ngành đang nỗ lực chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh, sử dụng tài nguyên khoáng sản tiết kiện, hiệu quả. Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xi măng trong nước đang đối mặt với tình trạng “cung” vẫn vượt xa so với “cầu”; xu hướng chuyển dịch nhu cầu từ sản phẩm xi măng đóng bao sang xi măng rời khiến cho các sản phẩm truyền thống, như sản phẩm mang thương hiệu VICEM có nguy cơ giảm dần lợi thế, v.v..
Để tiếp tục phát triển và thành công, ngành xi măng Việt Nam cần chuyển trọng tâm từ tăng trưởng quy mô sang tái cấu trúc ngành, đổi mới công nghệ và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, ngành xi măng cần nâng cao năng lực sản xuất thông qua tối ưu hóa sản xuất, áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng hình ảnh một ngành Công nghiệp xi măng xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và thân thiện với môi trường, v.v…
"Cùng với việc thực hiện chuyển đổi số, tự động hóa một số hoạt động chưa tự động hóa, ngành xi măng cần ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong việc số hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ, năng suất lao động, năng lực quản trị; nâng cao hình ảnh, uy tín, thương hiệu, nhất là xây dựng thương hiệu xi măng quốc gia, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng",GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Những yếu tố này sẽ giúp nâng cao vị thế, uy tín, năng lực cạnh tranh của các đơn vị trong toàn ngành nói chung và VICEM nói riêng trên thị trường quốc tế; góp phần quan trọng hiện thực hóa thắng lợi đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Thiện, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam tham luận tại Hội thảo

Đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương tham luận tại Hội thảo
Hội thảo được tổ chức trong 02 phiên; phiên thứ nhất với 12 tham luận của các đại biểu và phiên thứ hai thảo luận mở về những vấn đề đang đặt ra đối với ngành xi măng Việt Nam.
Các ý kiến tham luận của các nhà khoa học, các nhà quản lý trong ngành Công nghiệp xi măng, Hội thảo tập trung nhận định rõ các thành tựu đã đạt được và những hạn chế lớn còn tồn tại trong sự phát triển hiện nay của ngành xi măng Việt Nam; nhận diện cơ hội và thách thức lớn nhất đối với sự phát triển của ngành xi măng Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới. Từ đó đề xuất nhiều định hướng, giải pháp để phát triển ngành Xi măng Việt Nam ngang tầm đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới, tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các vấn đề về khơi dậy, phát huy vai trò của truyền thống, văn hoá doanh nghiệp đối với sự phát triển của ngành xi măng Việt Nam; những thuận lợi, khó khăn, thách thức đối với ngành xi măng khi triển khai áp dụng công nghệ mới; các đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách quản lý, quản trị doanh nghiệp để thúc đẩy các doanh nghiệp xi măng phát triển, v.v.. là những nội dung được các diễn giả tham gia trao đổi bàn luận tại phiên 2.
Tham luận tại Hội thảo, TS.Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành Xi măng có bề dày lịch sử và nhiều thành tựu phát triển. Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhu cầu xi măng để đáp ứng cho an ninh quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình trọng điểm của đất nước và phục vụ dân sinh còn cao, trước mắt, chưa có vật liệu khác thay thế. Đây là điều kiện cho ngành Xi măng phát triển. Tuy nhiên, vấn đề về thị trường cạnh tranh trong nước, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, yêu cầu cao về bảo vệ môi trường là những thách thức ngành Xi măng phải đối mặt, giải quyết.

Đại biểu chụp ảnh chung tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phạm Minh Đức, Phó Bí thư Phụ trách Đảng bộ Tổng Công ty Xi măng Việt Nam nhấn mạnh, các thế hệ công nhân xi măng, sẽ tiếp nối và phát huy xứng đáng truyền thống đấu tranh cách mạng, đoàn kết, gắn bó, bền bỉ, kiên cường, sáng tạo trong trong sự nghiệp xây dựng để phát triển VICEM nói riêng trên thị trường quốc tế; đồng thời góp phần quan trọng hiện thực hóa thắng lợi đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.