GIẢI PHÁP TẠO MÔI TRƯỜNG CHO CÁN BỘ TRẺ

THAM GIA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TẠI HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ KHU VỰC I

 

Ths Lê Sỹ Thọ*

 

Nghiên cứu khoa học là một chức năng quan trọng trong hoạt động của các cơ quan giảng dạy, nghiên cứu như các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu,…là nhiệm vụ hàng đầu mà mỗi cán bộ nghiên cứu, giảng viên trong các cơ quan đó phải thực hiện. Là một cơ quan của Đảng, có chức năng nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị, đào tạo cán bộ, tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước, Học viện Chính trị khu vực I luôn đề cao, coi trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, coi đây là nền tảng xây dựng đội ngũ giảng viên vững vàng, có chuyên môn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mình. Trong thời kỳ mới, Học viện đang chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, tạo môi trường để đội ngũ cán bộ trẻ tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu khoa học.

 

1. Sự cần thiết của việc tạo môi trường, điều kiện làm việc để cán bộ trẻ tại Học viện tham gia nghiên cứu khoa học

 

* Do tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học

 

Trước hết, hoạt động nghiên cứu khoa học là yếu tố nền tảng để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, đào tạo trong hệ thống Học viện. Nếu chỉ có nghiên cứu khoa học mà không có giảng dạy sẽ không thể đạt tới chiều sâu về mặt tri thức, người thầy sẽ đứng trước nguy cơ trở thành người thợ giảng trên lớp chứ không có độ sâu về chuyên môn. Trong bối cảnh Học viện đang đẩy mạnh đổi mới công tác giảng viên, hướng người thầy vào các chuẩn mực rất cụ thể về tri thức, khoa học và nhân cách, điều này lại càng trở nên đúng đắn hơn bao giờ hết.

 

Mặc dù cũng là một cơ quan giảng dạy và nghiên cứu, song Học viện Chính trị khu vực I mang khá nhiều nét đặc thù. Học viện không đào tạo ra các sinh viên bình thường mà là nơi đào tạo cán bộ cho Đảng, các kết quả nghiên cứu khoa học của Học viện, đặc biệt được sử dụng để phục vụ tư vấn chính sách, là cơ sở để Đảng và Nhà nước đề ra các quyết sách của mình. Do đó, vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học tại Học viện lại càng được nâng lên.

 

Để xây dựng một Học viện Chính trị khu vực I có vị thế trong hệ thống các cơ quan giảng dạy, nghiên cứu, Học viện buộc phải xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có trình độ chuyên môn tốt, khả năng nghiên cứu chuyên nghiệp, các kết quả nghiên cứu có chất lượng và được xã hội hóa, được cộng đồng nghiên cứu chấp nhận. Muốn vậy, vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học tại Học viện nhất thiết phải được đặt đúng vị trí.

 

* Do vai trò của đội ngũ cán bộ trẻ

 

Trong phạm vi bài viết, tác giả quan niệm lực lượng cán bộ trẻ Học viện Chính trị khu vực I là tập hợp những người lao động trong các khoa, phòng, ban của Học viện, không phân biệt biên chế, hợp đồng và đang trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn Thanh niên.

 

Trên cơ sở đó, số liệu thực tế tính đến tháng 12 năm 2014 của Học viện cho biết số lượng cán bộ trẻ của Học viện là 105 người, chiếm khoảng 30% trong tổng số cán bộ công chức Học viện[1]. Cán bộ mới được tuyển dụng vào Học viện có độ tuổi ngày càng được trẻ hóa. Với một lực lượng đông đảo, trẻ tuổi và ngày càng gia tăng, lực lượng cán bộ trẻ của Học viện giữ một vị trí quan trọng, là lực lượng trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ chính của Học viện.

 

Về mặt chuyên môn, các cán bộ trẻ Học viện Chính trị khu vực I chủ yếu có trình độ đại học (59 người, chiếm 56,2%) và cao học (31 người, chiếm 29,5%). Đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, một số được đào tạo ở nước ngoài, có kiến thức chuyên môn nền tảng tốt, cập nhật những tri thức mới của thời đại, hứa hẹn sẽ đem tới những giá trị mới cho hoạt động khoa học tại Học viện.

 

Bảng 1: Thống kê trình độ chuyên môn của đoàn viên thanh niên Học viện tính đến tháng 12/2014

Trình độ

Số lượng

Tỷ lệ

Tổng số

105

100%

Trung cấp

8

7,6%

Cao đẳng

7

6,7%

Đại học

59

56,2%

Cao học

31

29,5

Tiến sĩ

-

-

Trình độ khác

-

-

 

Nguồn: Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Học viện

 

2. Những vấn đề cán bộ trẻ đang phải đối mặt trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của mình

 

* Thiếu một phương pháp nghiên cứu khoa học đúng đắn, tiên tiến

 

Vấn đề này được thể hiện ở chỗ phương pháp, cách thức nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên trẻ tại Học viện hiện còn khá đơn giản. Trong khai thác cơ sở dữ liệu điện tử phục vụ nghiên cứu, phần lớn các cán bộ trẻ cho biết chưa từng khai thác các cơ sở dữ liệu điện tử như Proquest, Emeral, Econlit… hoặc sử dụng rất ít. Các cán bộ trẻ thường xuyên sử dụng tài liệu nước ngoài để nghiên cứu chiếm tỷ lệ nhỏ, chỉ 3,7%. Trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nghiên cứu khoa học, kết quả điều tra cho thấy các cán bộ trẻ chủ yếu sử dụng phần mềm thông dụng của Microsoft Office, các phần mềm khác như SPSS, STATA,…ít sử dụng, sẽ không hỗ trợ cán bộ trẻ nhiều trong việc làm ra các kết quả nghiên cứu có chất lượng.

 

* Bị ràng buộc bởi kỷ luật giờ giấc, bởi các quy định hành chính hơn là chú trọng vào kết quả đầu ra

 

Các cán bộ trẻ, nhất là các cán bộ mới được tuyển dụng về Học viện thường phải đảm bảo có mặt 8 tiếng/ngày tại cơ quan. Điều này tuy có ưu điểm giúp cán bộ trẻ rèn luyện kỷ luật giờ giấc, gắn bó với môi trường công tác nhưng đối với cán bộ nghiên cứu, giảng viên, thì lại có tác dụng tiêu cực nhiều hơn khi việc đảm bảo giờ giấc hành chính là căn cứ để đánh giá thi đua. Đối với người làm nghiên cứu khoa học, kết quả nghiên cứu khoa học cuối cùng mới là điều họ mong muốn và là căn cứ chính xác nhất để đánh giá năng lực của họ. Họ cần một không gian phù hợp với mình để có thể phát huy tối đa khả năng nghiên cứu, họ cần thời gian để tham gia các hoạt động nghiên cứu đa dạng ở các đề tài, các hội thảo, diễn đàn. Nếu “đóng khung” cán bộ trẻ trong 8 tiếng một ngày tại cơ quan thì cơ hội để người cán bộ tự tạo cho mình một môi trường nghiên cứu lý tưởng sẽ giảm đi rất nhiều.

 

* Thiếu môi trường nghiên cứu mang tính cởi mở, liên tục để cán bộ trẻ liên tục hâm nóng nhiệt huyết nghiên cứu của mình

 

Hiện nay cán bộ trẻ đang thực sự thiếu một môi trường nghiên cứu mang tính mở để họ có thể nhìn nhận đúng, thấy được giá trị đóng góp của mình và được thừa nhận những đóng góp đó. Một số nhóm say mê nghiên cứu đã được hình thành và thu hút sự tham gia của cán bộ, giảng viên. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều giảng viên, cán bộ trẻ nghiên cứu trong trạng thái đơn độc, không có môi trường để thể hiện quan điểm, đóng góp các kết quả nghiên cứu khoa học của mình. Do đó các kết quả nghiên cứu khoa học của họ nói chung còn khá khiêm tốn. Theo thống kê từ năm 2008 đến năm 2014[2], chỉ có 06 cán bộ trẻ đứng chủ nhiệm 06 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, có 19 chuyên đề nghiên cứu tham gia các đề tài cấp Nhà nước, 22 chuyên đề nghiên cứu tham gia các đề tài cấp Bộ, 58 bài viết được đăng ở các báo và tạp chí trong nước. Với số lượng trung bình cán bộ trẻ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy trong 05 năm là 40 bài thì trung bình một cán bộ trẻ trong 05 năm chỉ đăng được 1,45 bài viết. Đó là một con số quá nhỏ, cho thấy kết quả nghiên cứu khoa học cũng như công bố các kết quả nghiên cứu của cán bộ trẻ còn khiêm tốn.

 

* Thu nhập thấp làm giảm tập trung đầu tư vào hoạt động nghiên cứu khoa học.

 

Hiện mức lương trung bình của cán bộ, giảng viên trẻ tại Học viện khoảng 3 triệu đồng/người/tháng[3], không đủ để trang trải cuộc sống. Do vậy một số cán bộ trẻ phải lao vào thương trường để kiếm sống như đi dạy thêm, làm thêm ở doanh nghiệp và một số công việc khác. Điều này tất yếu khiến họ giảm bớt thời gian tập trung cho nghiên cứu, ảnh hưởng tới chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học.

 

3. Một số đề xuất, kiến nghị

 

Để tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ trẻ tích cực tham gia nghiên cứu khoa học trong bối cảnh mới, phù hợp với sự phát triển của Học viện, tác giả xin mạnh dạn đề xuất một số điểm sau:

 

Trước hết, Học viện nên chú trọng tổ chức đào tạo một cách bài bản hơn nữa cho đội ngũ cán bộ trẻ về phương pháp nghiên cứu khoa học. Phương pháp, kỹ năng nghiên cứu khoa học cần được đào tạo từ cơ bản đến nâng cao và cần được thực hiện ngay từ khi cán bộ mới về công tác và bồi dưỡng thường xuyên trong quá trình sau này.

 

Đối với cán bộ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, cần đổi mới phương thức quản lý cán bộ theo kết quả đầu ra. Theo đó cần căn cứ vào định mức về kết quả công việc mà cán bộ phải hoàn thành (khối lượng công việc nghiên cứu, giảng dạy cần hoàn thành trong năm, quý, tháng) để đánh giá cán bộ. Việc tuân thủ kỷ luật giờ giấc vẫn đưa vào để làm căn cứ xem xét, đánh giá cán bộ nhưng mức độ ảnh hưởng cần giảm bớt và có độ linh hoạt nhất định, tạo điều kiện để cán bộ có thể tham gia các hoạt động nghiên cứu đa dạng trong và ngoài Học viện.

 

Cần có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy cán bộ trẻ tham gia nghiên cứu khoa học theo nhiều phía. Học viện có thể bổ sung các quy định bắt buộc cán bộ nghiên cứu phải có bài báo đăng tạp chí trong quý, năm; hoặc quy định cán bộ nghiên cứu sau khi bảo vệ xong Thạc sỹ phải ưu tiên cho đăng ký chủ nhiệm đề tài cơ sở. Mặt khác, Học viện có thể có những hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần để khuyến khích, động viên, ghi nhận những nỗ lực trong nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ.

 

Để những đề xuất trên đi vào thực tiễn và phát huy tác dụng, rất cần thiết phải có được sự phối kết hợp tốt giữa Ban Giám đốc Học viện, lãnh đạo các đơn vị quản lý trực tiếp cán bộ trẻ, chủ nhiệm các đề tài, trưởng các nhóm nghiên cứu mạnh… Tổ chức Đoàn Thanh niên cũng cần tham gia tích cực vào quá trình này để tạo “sân chơi” trực tiếp cho đội ngũ cán bộ trẻ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, để cán bộ có cơ hội phát huy sáng kiến, tập dượt kỹ năng nghiên cứu khoa học tại các diễn đàn trẻ trước khi tham gia các diễn đàn lớn hơn.

 


* Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện, Giảng viên Khoa Quản lý kinh tế

[1] Nguồn: Ban Tổ chức cán bộ, BCH Đoàn TN Học viện

[2] Số liệu từ Ban Quản lý khoa học Học viện

[3] Số liệu do tác giả tự tổng hợp từ bảng lương hàng tháng của cán bộ, viên chức Học viện